0294.3 863 708 | ctk_travinh@gso.gov.vn

THÔNG CÁO BÁO CHÍ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TRÀ VINH NĂM 2024

02/01/2025 07:53

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh năm 2024

Năm 2024, tình hình thế giới biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Cùng với đó, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, sau nhiều biến động, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện tài chính đang tiếp tục được nới lỏng, nguồn cung lao động gia tăng.

Trong nước, cơn bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế - xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc. Trước tình hình đó, với quyết tâm nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão lũ, sớm ổn định đời sống của Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thiết thực và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 tỉnh Trà Vinh trên các lĩnh vực như sau:

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tính tăng 10,04% so với năm 2023, tăng ở tất cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,15%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 20,23%, đóng góp 6,56 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,46%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất và sản lượng lúa ở hầu hết các vụ đều tăng so với cùng kỳ, đặc biệt sản lượng lúa vụ Đông Xuân tăng 9,21% so với cùng kỳ năm 2023 do thời tiết thuận lợi, giá lúa tăng cao nhiều hộ nông dân tích cực chăm sóc. Bên cạnh đó, giá heo hơi ở mức cao trong thời gian dài nên đàn heo của tỉnh cũng phát triển khá. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 3,88%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,98%, đóng góp 0,47 điểm phần trăm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp sản xuất điện tăng trưởng cao quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2024 tăng 22,89% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 6,89 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất điện là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 27,1%, đóng góp 5,69 điểm phần trăm; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,43%, đóng góp 0,56 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 5,43%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm, ngành xây dựng của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với một số công trình được chuyển tiếp từ năm 2023 và một số đơn vị hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở của tỉnh như: Bộ Công an hỗ trợ 1.300 căn nhà; Công ty xổ số Trà Vinh hỗ trợ 300 căn; Quỹ An sinh xã hội tỉnh hỗ trợ 1.939 căn,…

Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại và vận tải diễn ra sôi động. Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế năm 2024 như sau: ngành bán buôn và bán lẻ tăng 10,35%, đóng góp 0,83 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 17,03%, đóng góp 0,34 điểm phần trăm;... Tuy nhiên, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 7,59%, làm giảm 0,21 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,6%; khu vực dịch vụ chiếm 29,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,06% (Cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 28,34%; 35,92%; 30,31%; 5,43%).

Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 96.623 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 94,37 triệu đồng/người, tăng 12,04 triệu đồng so với năm 2023.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp năm 2024 có một số thuận lợi như nguồn nước ngọt cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, dịch bệnh trên cây trồng, thủy sản và một số bệnh trong chăn nuôi như cúm gia cầm, LMLM gia súc, viêm da nổi cục trên trâu bò được kiểm soát; sản xuất lúa trúng mùa, được giá; giá dừa khô, cua biển, heo hơi giữ ở mức cao; diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao phát triển mạnh; hạ tầng thủy lợi đầu tư qua nhiều năm đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là trạm bơm kênh 3/2; công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật tiếp tục được quan tâm thực hiện; bệnh dịch tả heo Châu Phi có xuất hiện cục bộ nhưng nhanh chóng được khống chế, không lây lan. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt nên nông dân xuống giống lúa vụ Hè Thu chậm, đầu vụ có xuất hiện bệnh tôm chết sớm nên nông dân chậm thả nuôi; mưa bão gây ngập cục bộ một số diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch. Giá tôm nước lợ có tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp, nhưng từ tháng 8 đến nay giá tôm thẻ tăng mạnh, nông dân rất phấn khởi; giá cá lóc không ổn định, có những lúc thấp hơn giá thành; giá cá tra, cam sành duy trì ở mức thấp và thấp hơn giá thành ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.

- Diện tích gieo trồng lúa cả năm 2024 ước đạt 202.757 ha, so cùng kỳ giảm 0,3% hay giảm 607 ha; năng suất ước đạt 56,95 tạ/ha so cùng kỳ tăng 4,30% hay tăng 2,35 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1.154.671 tấn so cùng kỳ tăng 3,99% hay tăng 44.341 tấn. Diện tích lúa cả năm giảm chủ yếu ở vụ Đông Xuân (giảm 320 ha), vụ Hè Thu (giảm 276 ha) và vụ Mùa (giảm 135 ha). Năng suất và sản lượng tăng do giá lúa trong thời gian qua luôn ổn định ở mức cao, nông dân có lợi nhuận khá nên đã tập trung đầu tư chăm sóc, bón phân đúng thời điểm cây sinh trưởng phát triển tốt. Cụ thể từng vụ sản xuất như sau:

+ Lúa Mùa năm 2024: Kết thúc lúa vụ Mùa năm 2024 nông dân trong tỉnh gieo trồng đạt 1.007 ha, so cùng kỳ giảm 11,82% hay giảm 135 ha do một số địa phương chuyển một phần diện tích gieo trồng lúa Mùa sang lúa Thu Đông mang lại hiệu quả cao hơn. Năng suất đạt 47,05 tạ/ha, so cùng kỳ tăng 6,42% hay tăng 2,84 tạ/ha. Sản lượng đạt 4.737 tấn, so cùng kỳ giảm 6,16% hay giảm 311 tấn do diện tích gieo trồng giảm.

+ Lúa vụ Đông Xuân 2024: Diện tích gieo trồng lúa Đông Xuân 2024 đạt 61.739 ha; so cùng kỳ giảm 0,52% hay giảm 320 ha. Diện tích xuống giống lúa Đông Xuân giảm so với cùng kỳ do một số diện tích đất gò cao, thiếu nước canh tác, những vùng có nguy cơ nước mặn xâm nhập cao nên nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây màu. Diện tích thu hoạch đạt 61.719 ha, so với diện tích xuống giống chỉ đạt 99,97% do 20 ha lúa tại xã Hòa Lợi thuộc huyện Châu Thành xuống giống ngoài vùng quy hoạch không chủ động được nước tưới tiêu nên mất trắng. Năng suất gieo trồng đạt 66,99 tạ/ha so cùng kỳ tăng 9,78% hay tăng 5,97 tạ/ha, so với kế hoạch đạt 102,27% (kế hoạch 65,50 tạ/ha). Sản lượng đạt 413.588 tấn, so với cùng kỳ tăng 9,21% hay tăng 34.880 tấn, so với kế hoạch đạt 111,76% (kế hoạch 370.075 tấn).

+ Lúa Hè Thu năm 2024: Kết thúc diện tích gieo trồng lúa Hè Thu năm 2024 toàn tỉnh xuống giống đạt 68.132 ha; so với kế hoạch đạt 100,19% (kế hoạch 68.000 ha); so cùng kỳ giảm 0,40% hay giảm 276 ha. Diện tích xuống giống lúa Hè Thu giảm so cùng kỳ do một số diện tích đất gò cao thiếu nước tưới tiêu trồng lúa kém hiệu quả nên người dân chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm; năng suất đạt 52,48 tạ/ha, so cùng kỳ tăng 2,69% hay tăng 1,38 tạ/ha; sản lượng đạt 357.557 tấn, so cùng kỳ tăng 2,30% hay tăng 8.054 tấn.

+ Lúa Thu Đông năm 2024: Diện tích gieo trồng cây lúa vụ Thu Đông năm 2024 đạt 71.879 ha, so cùng kỳ tăng 0,17% hay tăng 124 ha. Năng suất ước cả vụ đạt 52,70 tạ/ha, tăng 0,28% hay tăng 0,15 tạ/ha so cùng kỳ; sản lượng đạt 378.790 tấn, so cùng kỳ tăng 0,46% hay tăng 1.718 tấn.

- Diện tích gieo trồng một số cây màu chủ yếu trong năm 2024 như: bắp 3.936 ha, tăng 3,13% hay tăng 119 ha so với cùng kỳ năm trước; khoai lang 1.574 ha, tăng 12,88% hay tăng 180 ha; khoai mì (sắn) 511 ha, giảm 5,27% hay giảm 28 ha; đậu phộng (lạc) 4.210 ha, giảm 1,33% hay giảm 57 ha; lác (cói) 2.466 ha, giảm 1,76% hay giảm 44 ha; rau đậu các loại 30.759 ha, tăng 2,96% hay tăng 883 ha; mía 1.475 ha, tăng 2,86% hay tăng 41 ha;…

- Năm 2024, tổng diện tích cây lâu năm hiện có toàn tỉnh đạt 46.520 ha, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 0,35% hay tương ứng tăng 163 ha. Cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là cây dừa, diện tích dừa hiện có đạt 28.221 ha (chiếm 60,66% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh), tăng 862 ha so cùng kỳ năm trước; sản lượng ước đạt trên 400,5 nghìn tấn, tăng 8,12 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây ăn quả hiện có 17.800 ha (chiếm 38,26% tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh), giảm 3,62% hay giảm 668 ha so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng một số loại trái cây như: chuối 93,8 nghìn tấn, giảm 1,03 nghìn tấn; cam 212,1 nghìn tấn, tăng 32,47 nghìn tấn; bưởi 18,94 nghìn tấn, giảm 2,98 nghìn tấn; xoài 24,23 nghìn tấn, giảm 1,08 nghìn tấn; thanh long 8,7 nghìn tấn, giảm 0,95 nghìn tấn; nhãn 4,4 nghìn tấn, giảm 0,83 nghìn tấn.

- Tình hình chăn nuôi trong năm 2024 có sự chuyển đổi từ nuôi nhỏ lẻ sang mô hình nuôi tập trung, quy mô từ vừa đến lớn, tổng đàn heo tăng so cùng kỳ, chủ yếu tập trung ở các hộ có năng lực chủ động con giống, có điều kiện trang bị các thiết bị vật tư và kỹ thuật đáp ứng điều kiện nuôi an toàn sinh học, nuôi quy mô lớn. Đàn bò phát triển chậm, do giá bò hơi thấp, hiệu quả chăn nuôi không cao; gia cầm giảm nhẹ do giá thức ăn ở mức cao, giá gia cầm hơi không tăng, hiệu quả chăn nuôi thấp, các cơ sở chăn nuôi chưa tăng quy mô đàn. Kết quả ước số con gia súc, gia cầm hiện có trên địa bàn tỉnh như sau: Đàn trâu hiện có 230 con, so cùng kỳ giảm 5,74% hay giảm 14 con. Đàn bò hiện có 219.430 con, so cùng kỳ giảm 1,33% hay giảm 2.960 con. Tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm so cùng kỳ do hiện nay giá bán bò thịt đang ở mức thấp, trong khi nguồn thức ăn tự nhiên không còn nhiều; chi phí chăn nuôi tăng cao, nhiều hộ nuôi bị thua lỗ nên người nuôi giảm đàn. Đàn heo hiện có 315.010 con, so cùng kỳ tăng 24,54% hay tăng 62.080 con. Giá heo hơi trong thời gian qua đã tăng trở lại tạo thuận lợi cho những hộ chăn nuôi tập trung đầu tư tái đàn trở lại nên tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh tăng so cùng kỳ. Đàn gia cầm hiện có 6.332,02 ngàn con, so với cùng kỳ tăng 2,19% hay tăng 135,72 ngàn con (trong đó: đàn gà 4.805,14 ngàn con, tăng 2,56% hay tăng 120,05 ngàn con so cùng kỳ). Đàn gà tăng do trong thời gian qua giá gà hơi ổn định ở mức cao, người nuôi có lợi nhuận nên mạnh dạn tái đàn.

- Tính từ đầu năm 2024 đến nay đã tổ chức trồng rừng ước đạt 417 ha, tăng 353 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng rừng năm nay tăng do thực hiện dự án trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 và dự án trồng rừng thay thế của Luồng cho tàu biển trọng tải lới vào sông Hậu. Trong năm 2024 sản lượng khai thác gỗ ước đạt 71.734 m3, so cùng kỳ giảm 1,01% hay giảm 732 m3. Sản lượng khai thác củi ước đạt 210.242 ste, so cùng kỳ giảm 3,85% hay giảm 8.415 ste.

- Trong năm 2024, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối khá, nhờ cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm; điều chỉnh cơ cấu con nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh; duy trì và phát triển các vùng nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; tăng cường cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho các hộ nuôi thủy sản và xử lý mầm bệnh không để lây lan ra diện rộng. Năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 239.080 tấn, so cùng kỳ tăng 3,37% hay tăng 7.797 tấn (Quý I ước đạt 30.146 tấn, giảm 2,45%; Quý II ước đạt 73.780 tấn, tăng 12,36%; Quý III ước đạt 78.186 tấn, giảm 2,89%; Quý IV ước đạt 56.967 tấn, tăng 5,09%).

Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 190.153 tấn, so cùng kỳ tăng 2,53% hay tăng 4.697 tấn. Sản lượng nuôi trồng tăng chủ yếu ở loại hình nuôi tôm thẻ chân trắng và cá lóc. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng do trong thời gian gần đây diện tích nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao trên địa bàn tỉnh đang phát triển; phương thức nuôi này năng suất đạt cao, đem lại hiệu quả kinh tế; tuy nguồn vốn đầu tư lớn nhưng rủi ro thấp nên nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi. Sản lượng cá lóc tăng do người nuôi cá áp dụng tiến bộ khoa học, kinh nghiệm thực tiễn vào sản xuất; bố trí hệ thống ao đúng quy trình kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường nước ao nuôi, tránh phát sinh dịch bệnh, giảm tỷ lệ hao hụt, cá tăng trọng nhanh và năng suất tăng nên sản lượng tăng so cùng kỳ. Sản lượng một số loại thủy sản nuôi trồng chủ yếu của tỉnh trong năm 2024: tôm sú 9.704 tấn, giảm 3,23% hay giảm 324 tấn so với cùng kỳ; tôm thẻ chân trắng 84.547 tấn, tăng 5,64% hay tăng 4.513 tấn; cá lóc 65.683 tấn, tăng 3,27% hay tăng 2.080 tấn; cá tra đạt 5.889 tấn, giảm 7,68% hay giảm 490 tấn; tôm càng xanh 2.553 tấn, tăng 15,70% hay tăng 346 tấn.

Năm 2024 sản lượng khai thác thủy hải sản ước đạt 48.927 tấn, so cùng kỳ tăng 6,77% hay tăng 3.101 tấn. Trong đó: sản lượng khai thác biển ước đạt 44.911 tấn, tăng 5,13% hay tăng 2.191 tấn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác biển tăng so cùng kỳ do chi phí khai thác (xăng, dầu) giảm nên nhiều tàu khai thác hoạt động trở lại.

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2024 có nhiều thuận lợi ở tất cả các nhóm ngành. Các Nhà máy nhiệt điện trong năm hoạt động ổn định với sản lượng huy động cao tiếp tục chi phối chỉ số ngành công nghiệp quý IV và cả năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngành khai khoáng tăng mạnh do nhu cầu cung ứng cát cho các công trình trọng điểm; ngành công nghiệp chế biến chế tạo có sự phát triển rõ rệt, tình hình sản xuất của nhiều công ty trên địa bàn tỉnh chuyển biến rất tích cực từ quý III năm 2024 và các tháng cuối năm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải sản lượng và giá trị cũng tăng khá.

Tính chung năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng mạnh 39,28% so cùng kỳ (chỉ số quý I/2024 tăng 101,76%, quý II/2024 tăng 24,28%, quý III/2024 tăng 20,19% và ước quý IV/2024 tiếp tục tăng mạnh 38,45% so với cùng kỳ năm trước). Cụ thể: chỉ số ngành khai khoáng tăng 9,12%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,47%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 50,17%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,57%.

Ngành chế biến, chế tạo: Trong năm thị trường xuất nhập khẩu thuận lợi tạo điều kiện cho các ngành phát triển như sản xuất trang phục, ngành giày da, ngành sản xuất bộ nguồn dây dẫn điện dành cho ô tô,… và một số ngành phục hồi sản xuất như ngành chế biến thủy sản (của công ty Cổ phần Thủy Sản Thông Thuận, công ty CP Thủy Sản Cửu Long, công ty CP Đông Lạnh Thủy Sản Long Toàn); ngành sản xuất than hoạt tính của công ty Cổ phần Trà Bắc. Ngoài ra một số công ty đi vào sản xuất như Công ty TNHH thực phẩm An Phước cũng góp phần tăng trưởng vào giá trị ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong năm tăng hơn.

Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí: Chỉ số ngành sản xuất điện tăng mạnh nhất vào quý I/2024 (gấp 2,6 lần) do quý I/2023 chỉ có một Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 được vận hành, ba nhà máy còn lại không được huy động (tạm ngừng huy động theo Lệnh điều độ từ tháng 6/2022 đến tháng 4/2023 mới được huy động trở lại). Đồng thời ở các tháng mùa khô tình hình nắng nóng gay gắt, nhu cầu phụ tải điện tăng cao, các nhà máy nhiệt điện cũng được huy động cao hơn.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: tôm đông lạnh tăng 19,65%; gạo xay xát tăng 3,33%; đường RS tăng 21,69%; túi xách tăng 7%; giầy thành phẩm tăng 8,23%; các bộ phận của giày, dép bằng da tăng 24,76%; cacbon hoạt tính tăng 12,99%; bộ nguồn cấp điện liên tục (UPS) tăng 8,74%; điện sản xuất tăng 49,46%, trong đó Nhiệt điện tăng 53,56%; nước máy thương phẩm tăng 10,31%. Tuy nhiên, có một sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: xơ dừa giảm 1,93%; thuốc chứa penicillin hoặc kháng sinh dạng viên giảm 14,78%; dược phẩm chứa hoocmôn nhưng không chứa kháng sinh dạng viên giảm 4,05%; bê tông tươi giảm 7,87%;…

4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tính chung cả năm 2024 (tính từ ngày 22/11/2023 đến 30/11/2024) toàn tỉnh có 522 doanh nghiệp và 299 đơn vị trực thuộc đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 5.576 tỷ đồng với 1.944 lao động. Bên cạnh đó, có 868 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc bổ sung ngành nghề kinh doanh, bổ sung vốn và các thay đổi khác, vốn bổ sung 15.274 tỷ đồng; hoạt động trở lại 78 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã có 157 doanh nghiệp, 241 đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể; 172 doanh nghiệp và 68 đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. So với cùng kỳ năm 2024 số lượng doanh nghiệp thành lập mới không tăng; số doanh nghiệp giải thể tăng 52 doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 36 doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 01 doanh nghiệp. Tình hình đăng ký qua mạng tiếp tục được các doanh nghiệp lựa chọn, đạt tỷ lệ 100% hồ sơ. Tỷ trọng vốn bình quân doanh nghiệp là 10,68 tỷ đồng/doanh nghiệp tăng 1,63 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.

5. Hoạt động thương mại và dịch vụ

Trong năm 2024 lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh tương đối thuận lợi, do nền kinh tế đã được phục hồi và được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao cụ thể nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành tỉnh xây dựng các Kế hoạch và Chương trình hành động. Năm 2024 Trà Vinh đã tổ chức ba lần Hội chợ xúc tiến thương mại - sản phẩm OCOP, so với năm trước số lần tổ chức Hội chợ nhiều hơn hai lần. Từ đó đã góp phần đưa doanh thu ngành thương mại, dịch vụ và du lịch năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành ăn uống ước năm 2024 gặp khó khăn do trong năm cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người tham giao thông nên người dân đã hạn chế tổ chức ăn uống ngoài gia đình.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 62.799 tỷ đồng, tăng 12,48% so với cùng kỳ năm trước (trong đó quý I tăng 14,63%, quý II tăng 12,03%, quý III tăng 10,36%, quý IV tăng 12,98%). Cụ thể ở các ngành như sau:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 45.243 tỷ đồng, chiếm 72,04% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và tăng 17,68% so cùng kỳ năm trước, tăng ở một số nhóm hàng sau: nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 21,04% do giá lúa, gạo tăng mạnh từ cuối năm 2023 và ổn định đến nay; hàng may mặc ước tăng 3,92%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,53%; gỗ và VLXD tăng 6,47%; nhóm xăng, dầu các loại tăng 24,18%; nhóm đá quý, kim loại tăng 12,81%;… Tuy nhiên, cũng có nhóm hàng giảm như: nhóm vật phẩm, văn hóa giáo dục giảm 4,57%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 9.118 tỷ đồng, chiếm 14,52% tổng mức và giảm 5,02% so cùng kỳ do hiện nay tỉnh đang tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người tham giao thông nên người dân đã hạn chế tổ chức ăn uống ngoài gia đình.

Doanh thu du lịch lữ hành đạt 49,1 tỷ đồng, chiếm 0,08% tổng mức và tăng 4,78% do năm nay tăng 2 công ty lữ hành nội địa.

Doanh thu dịch vụ khác đạt 8.389 tỷ đồng, chiếm 13,36% và tăng 8,36% so cùng kỳ. Một số ngành tăng mạnh như: kinh doanh bất động sản tăng 30,35%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 18,01%; ngành hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí tăng 7,75%; ngành dịch vụ khác tăng 14,83% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng có ngành dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 7,95% so với cùng kỳ.

6. Hoạt động ngân hàng

Tổng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến tháng 12/2024 đạt 52.250 tỷ đồng, tăng 7,61% so với cuối năm 2023. Trong đó: nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 35.400 tỷ đồng, chiếm 68%/tổng nguồn vốn, tăng 9,07% so với cuối năm 2023.

Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến tháng 12/2024 đạt 50.255 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023. Trong đó: dư nợ ngắn hạn chiếm khoảng 63%/tổng dư nợ.

Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đến tháng 12/2024 chiếm tỷ lệ 1,72%/tổng dư nợ, trong mức cho phép của Thống đốc NHNN.

7. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2024 đạt 18.971 tỷ đồng, đạt 138,86% dự toán năm 2024 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ các khoản không giao dự toán thì đạt 104,46% so với dự toán và tăng 8,94%. Trong đó, thu nội địa đạt 6.480 tỷ đồng, đạt 104,18% dự toán năm 2023 và tăng 9,21%; thu bổ sung từ ngân sách cấp trên đạt 5.445 tỷ đồng, đạt 100,55% dự toán và giảm 10,38%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.609 tỷ đồng, đạt 124,82% dự toán, tăng 47,43%; thu chuyển nguồn 4.163 triệu đồng (bao gồm thu chuyển nguồn cải cách tiền lương và thu chuyển nguồn vượt thu xổ số kiến thiết), tăng 37,78%.

Tổng chi ngân sách nhà nước ước thực hiện 17.033 tỷ đồng, bằng 133,83% dự toán năm 2024 và tăng 9,94% cùng kỳ năm trước do tăng chi đầu tư phát triển, tăng chi thường xuyên. Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 4.992 tỷ đồng, bằng 98,64% dự toán và tăng 7,94% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 7.386 tỷ đồng, bằng 103,34% dự toán và tăng 15,88% so với cùng kỳ năm trước.

8. Chỉ số giá

Tháng 12/2024, giá xăng được điều chỉnh tăng cùng với một số mặt hàng đồ dùng cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng so với tháng trước. CPI tháng 12/2023 tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 2,25% so với tháng 12/2023. CPI bình quân năm 2024 tăng 2,69% so với năm 2023.

Chỉ số giá vàng tháng 12/2024 giảm 1,38% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 37,01%. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2024 tăng 31,75% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2024 tăng 0,01% so với tháng trước; so với tháng cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân năm 2024 tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2023.

9. Dân số và đời sống dân cư

Dân số trung bình năm 2024 của cả tỉnh ước tính đạt 1.023.889 người, tăng 0,39% so với năm 2023. Trong tổng dân số, dân số thành thị 189.009 người, chiếm 18,46%; dân số nông thôn 834.880 người, chiếm 81,54%; nam 505.684 người, chiếm 49,39%; nữ 518.205 người, chiếm 50,61%.

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tiếp tục ổn định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi như dịch tả heo Châu Phi, sâu đầu đen hại dừa đã xảy ra, , giá một số loại nông sản bị sụt giảm ở một số thời điểm,... tác động tiêu cực của nắng nóng kéo dài, nguy cơ xâm nhập mặn trong các tháng đầu năm 2024.

Với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngày từ đầu năm các cấp, các ngành đã tập trung triển khai đồng thời các giải pháp nhằm phát triển kinh tế và thực hiện đảm bảo kịp thời công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Do đó, đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của tỉnh trong năm 2024 tiếp tục ổn định và phát triển. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện môi trường tiếp tục được nâng cao. Công tác chăm lo cho người dân, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng khó khăn được quan tâm.

10. Giáo dục và đào tạo

Toàn tỉnh hiện có 435 trường học và cơ sở giáo dục, với 6.722 lớp (trong đó có 126 lớp GDTX) và 213.984 học sinh các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Có 192/403 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, đạt tỉ lệ 47,64%; (trong đó có 08 trường đạt mức độ 2), có 21 trường được công nhận trong năm 2024.

Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT năm học 2023-2024 đạt 16 giải, tăng 10 giải so năm học 2022-2023; Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, lớp 11 có 1.200 học sinh được công nhận đạt giải và Cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học có 189 dự án của 329 học sinh tham gia tăng số lượng và lĩnh vực dự án dự thi,…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỷ lệ thí sinh được xét tốt nghiệp đạt 99,88%, cao hơn tỷ lệ chung cả nước (99,4%), so kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (xét lần 1) tỷ lệ tăng 0,85%;  đa số các môn chất lượng được nâng lên, điểm bình quân các môn thi năm 2024 tăng 0,56 điểm so với năm 2023.

11. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm

- Bệnh Sốt xuất huyết Dengue: Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, phát hiện và xử lý 243 ổ dịch và 604 ca mắc; giảm 27 ổ dịch (10%) và giảm 148 ca mắc (19,7%) so với cùng kỳ năm 2023; không có tử vong.

- Bệnh Tay chân miệng: Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, phát hiện 07 ổ dịch và 1.040 ca mắc; giảm 15 ổ dịch (74,1%) và giảm 763 ca mắc (42,3%) so với cùng kỳ năm 2023; không có tử vong.

- Bệnh Covid-19: Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, không phát hiện trường hợp mắc; giảm 205 ca mắc (100%) và tử vong giảm 09 ca (100%) so với cùng kỳ năm 2023.

- Bệnh Sốt rét: Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, phát hiện 01 ca mắc, tăng 01 ca (100%) so với cùng kỳ năm 2023; không có tử vong.

- Bệnh Quai bị: Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, phát hiện và xử lý 04 ca, giảm 03 ca (42,8%) so với cùng kỳ năm 2023 (07 ca), không có tử vong.

- Bệnh Đậu mùa khỉ:nh từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, phát hiện và xử lý 01 ca mắc, 01 ca tử vong; số ca mắc và tử vong tăng 01 ca (100%) so với cùng kỳ năm 2023 (không phát hiện, không có tử vong).

- Bệnh Liên cầu lợn ở người: Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, phát hiện và xử lý 01 ca mắc, không có tử vong; giảm 01 ca mắc (50%) và tử vong bằng so với cùng kỳ năm 2023.

- Bệnh Uốn ván khác: Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, phát hiện và xử lý 11 ca mắc, tăng 07 ca (175%) so với cùng kỳ năm 2023 (04 ca), không có tử vong.

- Bệnh Sốt phát ban nghi sởi: Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 30/11/2024, phát hiện và xử lý 153 ca, tăng 153 ca so với cùng kỳ năm 2023 (không phát hiện), không tử vong.

12. Hoạt động văn hóa, thể thao

Tỉnh tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổ chức 04 lễ hội cấp tỉnh: Lễ hội đón giao thừa mừng Xuân Giáp Thìn 2024; Lễ hội cúng biển Mỹ Long; Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024; Tuần lễ Văn hóa - Du lịch gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2024.

Trong năm 2024, được Thủ tướng Chính phủ công nhận 01 Bảo vật Quốc gia (Sưu tập Vàng lá Châu Thành, Trà Vinh); 03 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa quốc gia (Lễ hội Vu lan Thắng hội Cầu Kè; Lễ hội Đom Lơng Néak Tà; Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer). Nâng toàn tỉnh hiện có 02 Bảo vật quốc gia và 08 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đăng cai 02 giải thể thao cấp quốc gia gồm: Vòng chung kết giải Bóng chuyền Hạng A quốc gia; Vòng 4 giải đua xe mô tô toàn quốc. Các đội tuyển và đội năng khiếu tham gia thi đấu 37 giải trong hệ thống quốc gia, kết quả đạt 126 Huy chương các loại; tham gia 02 giải quốc tế, đạt 02 Huy chương Bạc. Tổ chức 29 giải thi đấu thể thao, với sự tham gia của hơn 4.500 vận động viên, phục vụ hàng chục ngàn lượt người dân đến xem và cổ vũ, gồm: 14 giải vô địch tỉnh; 15giải thể thao phong trào... Nổi bật, là từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức thành công Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2024; giải Việt dã và đi bộ đồng hành hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024 với khoảng 2.000 người tham gia.

13. Tai nạn giao thông

Tính chung năm 2024 xảy ra 296 vụ tai nạn giao thông (295 vụ đường bộ và 01 vụ đường thủy), làm 88 người chết (trong đó có 01 vụ đường thủy, làm chết 01 người), 290 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng 175 vụ tai nạn, giảm 18 người chết, tăng 233 người bị thương.

14. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Tính chung năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, làm chết 01 người, thiệt hại tài sản khoảng 2,38 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023 tăng 05 vụ, tăng 01 người chết và thiệt hại tài sản tăng 2,16 tỷ đồng.

15. Thiệt hại thiên tai

Tính từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh do thiên tai đã làm 09 chết, mất tích; 03 người bị thương; 16 căn nhà sập, 105 căn nhà tốc mái; thiệt hại 4.101 ha lúa và 183 ha màu,…/.

CỤC THỐNG KÊ TỈNH TRÀ VINH